GIÁO DỤC-Y TẾ
THẮP SÁNG TRUYỀN THỐNG "TÔN SƯ TRỌNG ĐẠO"
17/11/2022 03:31:54

Cách đây 40 năm ngày 28/9/1982 Hội đồng bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành quyết định lấy ngày 20/11 hằng năm là ngày Nhà Giáo Việt Nam. Từ đó đến nay ngày 20/11 đã trở thành ngày đặc biệt để xã hội tôn vinh và tri ân các thầy, cô giáo- những người làm công việc được xã hội tôn vinh là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý.

Trong xã hội Việt Nam từ xưa đến nay vai trò của người thầy luôn được đề cao và coi trọng. Truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo luôn là nét đẹp văn hóa nghìn đời của Dân tộc ta. Người xưa đã đúc kết truyền thống đó bằng các câu thành ngữ chứa đựng nhiều ý nghĩa như: "Không thầy đố mày làm nên", "Muốn sang thì bắc cầu Kiều; Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy", hay "Nhất tự vi sư- bán tự vi sư".....Bác Hồ cũng đã từng khẳng định: Không có thầy giáo thì không có giáo dục, nhiệm vụ của các thầy cô giáo là nhiệm vụ rất quan trọng và vẻ vang. Cố Thủ tướng Phạm văn Đồng thì nói: Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất trong những nghề sáng tạo. Các thầy cô giáo không những dạy chữ mà còn dạy người, họ cứ như cây thông trên sườn núi, cây quê giữ rừng sâu, thầm lặng tỏa hương dân hiến trí tuệ, sức lực cho đời…

Điều đó cho thấy trong xã hội từ xưa cho tới nay, mọi người đều trân trọng, kính yêu các thầy. Thử hỏi có ai trở nên thành đạt, giữ chức vụ này, địa vị kia mà không phải học, không được dạy dỗ bởi những người thầy? Không chỉ được xem như người cha, người mẹ thứ hai truyền đạt những tri thức, kinh nghiệm sống và nhân cách giáo dục cho học trò để mai này họ trở thành những người có ích cho xã hội người thầy còn được ví như những người lái đò chở lớp lớp thế hệ học trò qua sông, cập những bến bờ trí thức. Bên cạnh việc nắm vững đạo lý, người làm thầy còn có sứ mệnh cao cả là truyền đạo lý cho mọi người, nhất là cho học trò của mình để giúp các em trở thành những người có học vấn, nhân cách tốt đẹp, có chí hướng, năng lực giúp ích cho đời. Bởi vậy sự nỗ lực, cống hiến của các thầy cô giáo là tấm gương tốt nhất, là thước đo và đích đến để các thế hệ học sinh ngưỡng mộ và noi theo.

Càng vinh dự, càng tự hào người thầy càng nhận thức rõ và đặt ra một yêu cầu khắt khe về chuyên môn và nhân cách, đòi hỏi bản thân không quản khó khăn, mang hết tâm huyết, trí tuệ, cống hiến cho sự nghiệp trồng người…

Tuy nhiên xã hội ngày nay đang có nhiều thay đổi, những giá trị truyền thống có nguy cơ bị mai một nếu mỗi người trong chúng ta thiếu trân trọng giữ gìn. Hiện tượng lệch chuẩn của một bộ phận đội ngũ giáo viên khi vi phạm đạo đức nghề nghiệp; Nhiều học sinh không những không ý thức đầy đủ về đạo làm trò mà còn có những hành vi vô lễ với thầy cô, thậm chí là hành hung mỗi khi giáo viên nghiêm khắc phê bình…đã và đang diễn ra khiến dư luận không khỏi chạnh lòng, lo lắng. Tất nhiên những câu chuyên chưa vui trong môi trường giáo dục đâu đó cũng sẽ để lại ấn tượng chưa đẹp song đó chỉ là những trường hợp cá biệt.

 

Kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam năm nay không chỉ là ngày để xã hội tôn vinh ý nghĩa cao quý của nghề dạy học và những người làm nghề dạy học mà còn là dịp để mỗi người thầy tự nhìn nhận lại mình, đồng thời không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, giữ trọn đạo của người gieo chữ. Cũng nhân dịp này còn đặt ra cho người học, những ai quan tâm đến sự nghiệp trồng người, các cấp, các ngành và toàn xã hội cần phải dành sự quan tâm nhiều hơn nữa đối với sự nghiệp giáo dục, với các nhà giáo, để mỗi hành động của chúng ta là những bó hoa tươi thắm, những lời chúc tốt đẹp nhất góp phần cùng các thầy, các cô thắp sáng lên ngọn lửa của đạo học nước nhà./.

 

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ XÃ CHI LĂNG NAM - HUYỆN THANH MIỆN

Trưởng Ban Biên tập: Ông Nguyễn Đức Minh - Bí thư BCH Đảng bộ, Chủ tịch UBND xã.

Địa chỉ: xã Chi Lăng Nam, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương

Điện thoại: 0982739736

Email: xachilangnam@gmail.com

Số lượt truy cập
Đang truy cập: 0
Hôm nay: 0
Tất cả: 0