CHÍNH TRỊ-KINH TẾ
Tiếp tục phát huy truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc
26/07/2023 03:42:16

Thực hiện Chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tháng 6 năm 1947, Tổng bộ Việt Minh, Trung ương Hội Phụ nữ cứu quốc, Trung ương Đoàn Thanh niên cứu quốc, Cục Chính trị Quân đội quốc gia Việt Nam, Nha Thông tin tuyên truyền họp tại huyện Đại Từ (Thái Nguyên) bàn về công tác thương binh, liệt sĩ đã chọn ngày 27-7 là Ngày “Thương binh Toàn quốc”. Sau khi đất nước thống nhất, ngày 08-5-1975, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị 223/CT-TW, quyết định lấy ngày đó là Ngày “Thương binh - Liệt sĩ” của cả nước .

Điều đặc biệt ý nghĩa là, trước đây, vào dịp 27-7, Bác Hồ đều gửi thư, quà thăm hỏi thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng và Người còn căn dặn “Thương binh, bệnh binh, gia đình quân nhân và gia đình liệt sĩ là những người có công với Tổ quốc, với nhân dân. Cho nên bổn phận chúng ta là phải biết ơn, phải thương yêu và giúp đỡ họ”. Thấm nhuần lời dạy và nghĩa cử cao đẹp của Người, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta tiếp tục chăm lo bảo đảm tốt chế độ, chính sách đối với các đối tượng thụ hưởng, với tình cảm, trách nhiệm chính trị cao nhất của mình.

Năm nay, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7-1947 - 27-7-2023) cùng với các hoạt động thăm hỏi, tặng quà là biểu hiện sinh động về điều đó. Thông qua những hoạt động đầy ý nghĩa này để tuyên truyền, giáo dục về truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây” của dân tộc. Đồng thời, tôn vinh, khẳng định sự cống hiến, hy sinh của các anh hùng, liệt sĩ, thương binh và người có công cho độc lập, tự do của dân tộc, hạnh phúc của nhân dân là vô giá. Trên cơ sở đó, nhận thức rõ việc chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công là vinh dự, trách nhiệm của các cấp, các ngành, tổ chức chính trị - xã hội và toàn dân, của thế hệ hôm nay và mai sau.

Dân tộc ta là một dân tộc anh hùng, có những con người anh hùng với hành động anh hùng. Phẩm chất anh hùng ấy không tự nhiên mà có, nó được kết tinh, hun đúc suốt chiều dài lịch sử hơn bốn nghìn năm dựng nước, giữ nước và trở thành truyền thống, nguồn sức mạnh nội sinh của dân tộc. Nhưng, phải nói rằng, có được niềm tự hào chính đáng ấy, có được độc lập, tự do, hạnh phúc của ngày hôm nay - điều “Không có gì quý hơn độc lập tự do,…” - như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định và trở thành chân lý đó, dân tộc ta đã phải trả một cái giá không hề nhỏ bằng sự đau thương, mất mát vô cùng lớn của nhiều thế hệ người Việt Nam. Đến nay, toàn quốc đã xác nhận khoảng 9 triệu người có công, trong đó, có 26.600 người hoạt động cách mạng; 1,2 triệu liệt sĩ, 500.000 thân nhân liệt sĩ, trên 117.000 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 1.300 Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động; 600.000 thương binh, gần 185.000 bệnh binh, gần 4,1 triệu người hoạt động kháng chiến và làm nhiệm vụ quốc tế. Hiện cả nước có 9.637 công trình ghi công liệt sĩ, gồm đài tưởng niệm, nhà bia ghi tên liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ, trong đó, có nhiều công trình lớn có giá trị văn hóa, mỹ thuật, giáo dục truyền thống, như: Nghĩa trang Điện Biên Phủ, Nghĩa trang Trường Sơn, Nghĩa trang Đường 9, Đền Bến Dược, Khu tưởng niệm liệt sĩ thanh niên xung phong tại ngã ba Đồng Lộc, Truông Bồn (tỉnh Nghệ An), v.v. Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đặc biệt trân trọng, đánh giá cao những cống hiến, hy sinh to lớn của đồng bào, chiến sĩ cả nước đối với Tổ quốc. Trong 76 năm qua, với lòng biết ơn sâu sắc và trách nhiệm chính trị cao, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng, đạt được những kết quả quan trọng. Những kết quả đạt được đó có ý nghĩa quan trọng, thể hiện sâu sắc tình cảm, trách nhiệm, lòng biết ơn, sự quan tâm đặc biệt của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân đối với những người đã cống hiến, hy sinh cho Tổ quốc.

Trong thời gian tới, chúng ta cần tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc, “Thực hiện tốt chính sách chăm sóc người có công, trên cơ sở huy động mọi nguồn lực xã hội kết hợp với nguồn lực của Nhà nước, bảo đảm người có công có mức sống từ trung bình trở lên” mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định.


Mỗi năm cứ đến “Ngày Thương binh, liệt sĩ” toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta lại tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, đầy tình nghĩa chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng. 76 năm qua, hệ thống chế độ chính sách đối với người có công với cách mạng đã nhiều lần được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của đất nước, việc chăm lo vật chất và tinh thần cho các gia đình thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ luôn là một trong những mối quan tâm hàng đầu. Điều đó thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta trong việc thực hiện truyền thống đạo lý.

          Hiện nay, trên địa bàn xã Chi Lăng Nam có 203 liệt sỹ, 24 bà mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh 37 người, bệnh binh 30 người, người bị nhiễm chất độc hóa học 19 người, trợ cấp liệt sĩ 159 người, thân nhân liệt sĩ 20 người, tù đầy 03 người. Để thực hiện tốt việc “Đền ơn đáp nghĩa” chăm sóc gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng, trong những năm qua với sự quan tâm của các cấp uỷ Đảng, chính quyền các cấp và toàn xã hội, công tác tổ chức thực thi chính sách ưu đãi, chăm sóc người có công với Cách mạng của xã Chi Lăng Nam đạt được nhiều thành tích, góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người có công trên địa bàn xã. Ngoài ra, hàng năm vào dịp ngày thương binh liệt sỹ 27/7 - Đảng, Chính quyền cùng các đoàn thể chính trị, xã hội địa phương đều tổ chức đi thăm hỏi, động viên, tặng quà cho các gia đình cách mạng, người có công, thương binh, bệnh binh và thân nhân liệt sỹ. Đây là những việc làm có ý nghĩa thiết thực, nhằm động viên kịp thời các đối tượng chính sách, tạo điều kiện để họ tiếp tục cống hiến sức lực của mình cho xã hội.

          Kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh - liệt sĩ. Đảng bộ, chính quyền, nhân dân xã Chi Lăng Nam quyết tâm phát huy truyền thống anh hùng trong đấu tranh cách mạng của các thế hệ cha ông, xây dựng quê hương ngày càng đổi mới, giàu đẹp, văn minh để đền đáp xứng đáng sự hy sinh to lớn của các thế hệ đi trước cho cuộc sống hoà bình, tự do, ấm no, hạnh phúc của dân tộc Việt Nam ngày hôm nay./.

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ XÃ CHI LĂNG NAM - HUYỆN THANH MIỆN

Trưởng Ban Biên tập: Ông Nguyễn Đức Minh - Bí thư BCH Đảng bộ, Chủ tịch UBND xã.

Địa chỉ: xã Chi Lăng Nam, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương

Điện thoại: 0982739736

Email: xachilangnam@gmail.com

Số lượt truy cập
Đang truy cập: 0
Hôm nay: 0
Tất cả: 0