Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc, đa tôn giáo. Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm, tạo điều kiện, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo của người dân, trong đó có cả người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh những tôn giáo đã được Nhà nước ta công nhận như: Phật giáo, Thiên chúa giáo, Cao Đài, Hòa Hảo…, là các hiện tượng tôn giáo mới như: Tin lành Đề Ga, Thanh Hải Vô Thượng Sư, Hà Mòn, Hội Thánh Đức Chúa Trời, Pháp Luân Công… các hiện tượng tôn giáo mới này chưa được Nhà nước ta công nhận và cho phép hoạt động nhưng chúng vẫn đang từng bước hình thành, len lỏi phát triển trên khắp cả nước nhằm truyền bá những đức tin phản khoa học, phản văn hóa và chuẩn mực chung về đạo đức, lối sống ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống xã hội, gây tâm lý bức xúc, hoang mang trong một bộ phận quần chúng và tín đồ các tôn giáo. Đặc biệt, thông qua hoạt động của các hiện tượng tôn giáo mới này, các thế lực thù địch đẩy mạnh các hoạt động lợi dụng để thực hiện âm mưu chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, kích động tư tưởng ly khai, hình thành các lực lượng đối lập với Đảng, Nhà nước Việt Nam.
Pháp luân công thực chất không phải là một tín ngưỡng, tôn giáo, không có giáo lý, giáo luật hoàn chỉnh. Pháp luân công lợi dụng các bài tập khí công truyền thống vốn có lợi cho việc tăng cường sức khỏe để biến nó thành của mình, khuếch đại tác dụng của việc luyện tập Pháp luân công đối với sức khỏe, cho rằng những người luyện tập Pháp luân công có thể tự chữa được bách bệnh, kể cả bệnh hiểm nghèo như ung thư mà không cần dùng thuốc, chữa trị tại bệnh viện. Nhiều người bệnh cả tin, không dùng thuốc, từ chối điều trị tại bệnh viện, tiếp tục luyện tập Pháp luân công đã dẫn tới tử vong (một số trường hợp ở Hà Nội, Thái Nguyên, Nghệ An, Quảng Nam…). Việc kết hợp hình thức luyện tập khí công rèn luyện sức khỏe với hình thức tu tập sử dụng yếu tố tín ngưỡng, tâm linh đánh đúng tâm lý của một bộ phận người dân, nhất là số người bị bệnh hoặc có vấn đề về sức khỏe tin tưởng tuyệt đối luyện tập khí công không cần dùng thuốc cũng khỏi bệnh, đưa ra “luận thuyết” nếu luyện tập đông, luyện tập gần nhau sẽ nhanh tạo ra “công lực”, đây cũng chính là nhu cầu giao tiếp giải tỏa tâm lý của những người bị bệnh, người nghỉ hưu… để lừa gạt, mê hoặc, lôi kéo, tập hợp lực lượng của Pháp luân công, gây phức tạp ANTT.
Pháp luân công du nhập vào địa bàn huyện Thanh Miện từ năm 2014 tại địa bàn xã Thanh Giang, sau đó xuất hiện ở một số địa bàn khác (Chi Lăng Bắc, Chi Lăng Nam năm 2016; thị trấn Thanh Miện năm 2018). Hiện nay có khoảng 50 người theo tập pháp luân công trên địa bàn, tập trung chủ yếu ở xã Thanh Giang và xã Chi Lăng Bắc. Đến thời điểm hiện tại Đảng và Nhà nước ta vẫn chưa công nhận tư cách pháp nhân, cấp phép hoạt động cho Pháp luân công, vì vậy người dân trên địa bàn huyện nhà cần chú ý một số vấn đề sau đây:
- Nhận thức đúng bản chất của Pháp luân công, tuyệt đối không có chuyện tập luyện Pháp luân công chữa được bách bệnh. Thay vì tìm đến Pháp luân công để rèn luyện sức khỏe, mọi người nên tích cực tham gia các hoạt động xây dựng môi trường văn hóa ở khu dân cư; tăng cường luyện tập thể dục, thể thao, rèn luyện sức khỏe lành mạnh theo quy định.… không tham gia Pháp luân công hoặc tiếp tay, cổ vũ, tuyên truyền Pháp luân công, tham gia vào các hoạt động ảnh hưởng tới an ninh, trật tự; không tham gia vào các hoạt động mê tín dị đoan khác.
- Chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật Nhà nước, đặc biệt là Luật An ninh mạng, không truy cập vào các trang thông tin phản động và các trang mạng xã hội tuyên truyền, kêu gọi ủng hộ Pháp luân công; không đăng tải, in ấn, tán phát, chia sẻ, bình luận cổ vũ, tuyên truyền các nội dung tài liệu về Pháp luân công trên mạng internet. Mọi hành vi in ấn, phát tán tài liệu để phục vụ cho Pháp Luân Công đều là vi phạm pháp luật. Theo khoản 2 điều 27 Nghị định 159/NĐ-CP ngày 12/01/2013 của chính phủ, hành vi in ấn, phát tán tài liệu để phục vụ cho Pháp Luân Công có thể bị xử phạt với mức phạt từ 3 đến 5 triệu đồng về hành vi tàng trữ, phát hành xuất bản phẩm in, nhân bản lậu, in giả, in nối bản trái phép hoặc xuất bản phẩm không có hóa đơn, chứng từ thể hiện nguồn gốc hợp pháp.
- Các cơ quan, ban, ngành, tổ chức chính trị, xã hội tăng cường tuyên truyền vận động quần chúng nhân dân chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, nhận thức đúng về bản chất của pháp luân công. Nâng cao ý thức cảnh giác, không tin, làm theo sự lôi kéo của các đối tượng xấu lợi dụng Pháp luân công tham gia vào hoạt động vi phạm pháp luật. Phát huy trách nhiệm, tích cực đấu tranh phê phán với các hành vi vi phạm pháp luật có liên quan đến Pháp luân công. Khi phát hiện các hành vi tuyên truyền, lôi kéo, kích động xúi giục người khác theo tập Pháp luân công hay in ấn, tán phát các loại tài liệu, hình ảnh, ấn phẩm có nội dung liên quan đến Pháp luân công trên địa bàn huyện kịp thời thông báo cho cơ quan, chính quyền nơi gần nhất để xử lý theo quy định.