Vụ lúa chiêm xuân năm 2023 của địa phương nhà đến nay lúa Chiêm xuân đang trong thời kỳ đòng già và nhiều ruộng đã đang thấp tho trỗ bông. Đây là giai đoạn quyết định trực tiếp đến năng suất lúa. Vì vậy việc quản lý, phòng trừ hữu hiệu các đối tượng dịch hại cho cây lúa ở giai đoạn này là rất quan trọng và cần thiết. Để cây lúa trỗ bông, vào chắc thuận lợi, bà con nông dân cần lưu ý quan tâm đến một số nội dung chỉ đạo sản xuất như sau:
1. Tình hình thời tiết:
Thời tiết từ cuối tháng 4, đầu tháng 5 có mưa nhỏ, mưa phùn, thời tiết âm u, trưa chiều có nắng, độ ẩm không khí cao. Nhiệt độ trung bình từ 26 -340C, Ẩm độ 80-95%.
I. CÁC ĐỐI TƯỢNG DỊCH HẠI
1. Cây lúa:
- Bệnh đạo ôn lá: Bệnh gây hại tăng trên các giống nhiễm xanh tốt, màn lá như: Nếp 415, Tỷ lệ bệnh từ 10-20% lá; C1-C3. Đã xuất hiện các ổ lụi trên các ruộng xanh tốt.
- Bệnh khô vằn: Gây hại tăng trên các ruộng xanh tốt, bón nhiều đạm, các ruộng có chế độ nước không thường xuyên. Tỷ lệ bệnh trung bình 3-5% dảnh, chỗ cao 10-15% dảnh C1-C3.
- Sâu cuốn lá nhỏ: Sâu non gây hại diện tích xanh tốt mật độ thấp. Trưởng thành đang vũ hóa rải rác trên những ruộng xanh tốt, gần làng, gần đường đi.
- Rầy nâu, rầy lưng trắng: xuất hiện cục bộ trên các ruộng chua trũng, chân đường mạ mật độ 5-10 con/khóm.
-Ngoài ra còn có các đối tượng khác như bọ trĩ, rệp xanh, ruồi đục nõn: gây hại với mức độ thấp.
II. TÌNH HÌNH DỊCH HẠI TẠI THỜI ĐIỂM HIỆN NAY
1. Cây lúa:
- Bệnh đạo ôn cổ bông: Bệnh gây hại cho các giống nhiễm như Nếp, BC15, TBR225, Q5,… đặc biệt các ruộng bị đạo ôn lá giai đoạn đòng già thấp tho – trỗ bông, chắc xanh nếu gặp điều kiện có mưa, nhiệt độ chênh lệch ngày đêm cao.
- Bệnh đạo ôn lá: Bệnh sẽ tiếp tục phát sinh gây hại trên diện tích lúa muộn đang giai đoạn phân hóa đòng.
- Bệnh khô vằn: Bệnh gây hại tăng và leo cao lên các lá phía trên gây hại lá đòng và lá cận đòng làm giảm năng suất và khả năng chống đổ của cây lúa.
- Sâu cuốn lá nhỏ: Sâu cuốn lá gây hại bằng cách nhả tơ, kết hai mép lá lại theo chiều dọc thành ống để sinh sống và gây hại bên trong. Chúng ăn phần thịt lá, chỉ chừa lại lớp biểu bì khiến lá lúa bị giảm diện tích quang hợp, mất diệp lục tố, dẫn đến sinh trưởng kém, nếu gây hại khi lúa đòng trổ sẽ khiến hạt bị lép lửng, mất năng suất. Mật độ sâu cuốn lá cao sẽ có nguy cơ làm giảm nghiêm trọng năng suất lúa, nhất là khi sâu non sâu cuốn lá nở rộ và gây hại ở giai đoạn lúa làm đòng, trỗ bông.
- Rầy nâu, rầy lưng trắng: Gây hại tăng trên diện tích lúa đòng già – trỗ bông.
- Sâu đục thân 2 chấm: Sâu sẽ gây bông bạc cho diện tích lúa sớm đang giai đoạn đòng già – trỗ bông.
III. BIỆN PHÁP PHÒNG TRỪ
1. Cây lúa
- Bệnh đạo ôn cổ bông: Bệnh đạo ôn cổ bông sẽ gây hại các giống nhiễm như Nếp, Q5, BC15, TBR225, Thiên ưu 8,… các ruộng bị bệnh đạo ôn lá khi cây lúa giai đoạn đòng già, trỗ bông đến chắc xanh khi thời tiết có mưa nhỏ, mưa phùn, ẩm độ không khí cao, nhiệt độ chênh lệch ngày đêm lớn, các ruộng đang bị bệnh. Nếu không phun trừ tốt sẽ gây bông bạc làm giảm năng suất hoặc bị nặng có thể không cho thu hoạch. Vì vậy để phòng trừ tốt bệnh đạo ôn cổ bông cần phun lần 1 khi lúa thấp tho trỗ và phun lại lần 2 sau lần 1 từ 7-10 ngày.
Dùng các loại thuốc như: Ninja; Beam, Filia, Roshow, Katana, Fuji-one, Nativo, ..
- Sâu đục thân 2 chấm: Sâu gây hại cho lúa giai đoạn thấp tho trỗ đến chắc xanh. Vì vậy bà con nông dân cần phun trừ sâu đục thân 2 chấm lúc lúa thấp tro trỗ. Nếu thấy mật độ ổ trứng từ 0,3 m2 trở lên thì tiến hành phun trừ lần 2 sau lần 1 từ 5 – 7 ngày. Dùng các thuốc như: Voliam Tango, Virtako, Prevathon, Ameri, … đồng thời trừ được cả sâu cuốn lá nhỏ.
- Rầy nâu, rầy lưng trăng: Rầy sẽ gây hại từ nay đến cuối vụ. Vì vậy bà con nông dân thường xuyên kiểm tra rầy, nếu thấy rầy cám có mật độ trên 20 con/khóm trở lên thì tiến hành phun trừ ngay. Dùng các thuốc như: Chess, Oshin, Chetsduc, Chatot, Cherry,…
- Bệnh khô vằn: Bệnh phát sinh gây hại tăng trên tất cả các trà, giống lúa và gây hại đến cuối vụ. Vì vậy bà con nông dân tăng cường kiểm tra đồng ruộng phát hiện bệnh đặc biệt các ruộng gieo vãi dầy, cấy dầy, cấy to, các ruộng có chế độ nước không thường xuyên thường bị bệnh cao hơn. Khi thấy bệnh hại 10% dảnh trở lên thì tiến hành phun trừ ngay. Dùng các thuốc như: Anvil, Nevo, Tiltvil, Jiavin….
- Bệnh lem lép hạt: Bệnh gây hại khi lúa trỗ bông đến chắc xanh khi gặp điều kiện ẩm độ không khí cao, nhiệt độ cao gây lép đen, lép vàng lúa ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng gạo. Vì vậy để nâng cao năng suất và chất lượng gạo bà con nông dân cần phun phòng bệnh lem lép hạt lần 1 khi lúa thấp tho trỗ và lần 2 sau lần 1 từ 7 -10 ngày. Dùng các thuốc như: Tilt super, Nevo, Nativo, ….đồng thời trừ được cả bệnh khô vằn.
- Sâu cuốn lá nhỏ: Đặc biệt lứa sâu cuốn lá nhỏ lần này là rất nghiêm trọng và là lứa sâu cuối ở vụ lúa chiêm xuân này, sâu sẽ làm suy giảm sinh trưởng, gây hại khi lúa đang đòng già, thấp tho trổ bông, Sâu gây hại lá đòng, lá cận đòng, sẽ khiến hạt lúa bị lép lửng, nếu phun trừ không tốt sẽ gây trắng lá ảnh hưởng đến năng suất. Mật độ sâu cuốn lá cao sẽ có nguy cơ làm giảm nghiêm trọng năng suất lúa. HĐQT HTX sau khi đi thăm đồng kiểm tra thấy sâu cuốn lá nhỏ đợt này sâu non tuổi 1 sẽ nở dộ từ ngày mùng 06 đến ngày 11 tháng 5, như vậy HĐQT HTX chỉ đạo, đề nghị với bà con nông dân tiến hành mua thuốc bảo vệ thực vật về phun phòng trừ lứa sâu cuốn lá nhỏ lần này kịp thời và hiệu quả ngay.
Thời gian phun trừ từ ngày mùng 06 đến ngày 11 tháng 5. Dùng các thuốc như: Obaone, Voliam, Tango, Solo, Virtako, Prevathon, Takumi, Ameri, …
Khi phun thuốc tuân thủ theo nguyên tắc 4 đúng
Lưu ý: Nên phun đúng thời điểm, thời gian thông báo ở trên khi sâu đang ở tuổi 1, tuổi 2 mới hiệu quả hơn. Với những ruộng đã trỗ bông đề nghị bà con nông dân lên phun thuốc về buổi chiều, vì buổi sáng bông lúa sẽ phơi màu, buổi chiều là bông lúa đã ngậm màu lại sẽ không ảnh hưởng thuốc sâu vào hạt thóc.
2. Công tác dịch vụ đồng ruộng:
- Đề nghị các ông làm dịch vụ cho HTX có trách nhiệm điều tiết nước hợp lý để cho lúa phát triển, thực hiện việc thả mồi bả, đặt cạm bẫy bán nguyệt để diệt chuột,
- Vệ sinh mương máng tưới, tiêu, bờ lô nội đồng để phục vụ thuận tiện cho việc sản xuất nông nghiệp.
2. Đề nghị và yêu cầu Bà con nông dân: Tiến hành mua thuốc sâu để phun trừ sâu cuốn lá nhỏ, bà con nông nông dân lên mua thuốc nội hấp, lưu dẫn vì tác dụng của thuốc sẽ lưu dẫn và đọng trên cây lúa thời gian tác dụng của thuốc kéo dài được từ 5 đến 7 ngày, sẽ tăng hiệu quả trừ sâu, kết hợp với trừ sâu cuốn lá cần cộng thêm thuốc trị rầy nâu, trị bệnh khô vằn, đạo ôn, bệnh lem lép hạt. Vậy đề nghị bà con nông dân căn cứ vào lịch thời gian mà HTX đã thông báo trên tổ chức thực hiện kịp thời và hiệu quả ngay, phối hợp cùng với HTX quyết giành vụ lúa chiêm xuân năm 2023 nhiều thắng lợi.
Trên đây là thông báo chỉ đạo sản xuất và biện pháp thực hiện ngay tại thời điểm này, đề nghị các ban ngành, đoàn thể tuyên truyền để các hội viên và nhân dân trong xã phối hợp thực hiện tốt đạt hiệu quả./.
Chi Lăng Nam, ngày 04 tháng 5 năm 2023
HĐQT HTX DVNN