Phát triển văn hoá, đổi mới tư duy về văn hoá không phải ở đâu xa, mà bắt đầu trước hết từ việc xây dựng con người, từ gia đình, trường học đến xã hội, thông qua việc tạo dựng một môi trường văn hoá lành mạnh, văn minh.
Chính môi trường văn hóa tạo ra những con người văn hóa. Con người văn hóa lại giữ vai trò chủ thể để giải quyết những bài toán căn cơ về phát triển văn hóa, để từ đó hình thành những giá trị chuẩn mực đạo đức, lan tỏa nét đẹp văn hóa đến mỗi người. Qua đó thực hiện nhiệm vụ văn hóa là sức mạnh nội sinh cho phát triển bền vững đất nước. Nhưng làm thế nào để tạo dựng một môi trường thuận lợi, lành mạnh cho sự phát triển văn hóa, con người Việt Nam? Đó quả là điều không hề dễ dàng.
Xã hội hiện đại, hội nhập, chúng ta thấy không chỉ có bạo lực mà rất nhiều hành vi khác như mê tín dị đoan, sính ngoại thái quá dẫn đến lãng quên văn hóa dân tộc, sự “lên ngôi” của lối sống thực dụng, ưa vật chất, hay các vấn đề liên quan đến thách thức an ninh văn hóa… Tất cả đều bắt nguồn từ những yếu kém trong lĩnh vực văn hóa, rất cần phải chấn chỉnh, ngăn chặn.
Vì vậy, văn hóa như phù sa bồi đắp dần dần. Đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho tương lai và sự phát triển bền vững. Do vậy cần có một tầm nhìn xa, chiến lược, một nguồn lực ưu tiên thỏa đáng. Không hề dễ dàng, không thể nóng vội, nhưng cũng phải kiên quyết, quyết liệt với sự đồng lòng nhất trí cao và sự quan tâm chú ý thường xuyên./.
Báo VOV